Tranh nhau chữ... Majestic
Thời gian gần đây, khách sạn Majestic ở TP.HCM (tạm gọi là Majestic Sài Gòn) thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại của khách hàng trong nước và quốc tế thắc mắc khách sạn Majestic ở Hà Nội có phải là chi nhánh của Majestic Sài Gòn.
Đặc biệt gần đây, ông Tào Văn Nghệ, Giám đốc khách sạn Majestic Sài Gòn, liên tục nhận được lời hỏi thăm của khách hàng có phải Majsetic Sài Gòn đã chuyển sang kinh doanh thêm lĩnh vực... karaoke. Ông Nghệ rất ngạc nhiên vì thông tin khách hàng cho biết ở trung tâm thành phố Vũng Tàu có một tòa nhà rất lớn, cao trên 10 tầng đề tên là Majestic Tower có kinh doanh karaoke.

Majestic1.jpg

Khách sạn Majestic Sài Gòn

Majestic bị... “đụng hàng”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 16-1, ông Tiêu Ngọc Giao, Giám đốc Công ty TNHH Khang Nguyên, đơn vị kinh doanh tòa nhà Majestic Tower, cho biết tòa nhà này vừa xây dựng cách đây khoảng sáu tháng và đang đi vào kinh doanh. Lý giải việc sử dụng tên gọi trùng với khách sạn năm sao ở TP.HCM, ông Giao khẳng định: “Chúng tôi biết có một khách sạn năm sao tại Sài Gòn đã sử dụng tên gọi Majestic từ trước. Tuy nhiên, chúng tôi có thêm chữ “Tower” sau dòng chữ Majetstic cho tòa nhà với ý nghĩa tiếng Việt là “sự hoàn hảo”, “tòa nhà hoàn hảo”.

Ngoài ra, ngành nghề kinh doanh của chúng tôi là kinh doanh tiệc cưới, văn phòng cho thuê và karaoke, quán bar, cà phê... chứ không kinh doanh lĩnh vực khách sạn như Majestic Sài Gòn”. Ông Giao cũng cho biết hiện công ty ông đã nộp đơn đăng ký độc quyền tên gọi này tại Cục Sở hữu trí tuệ. “Theo thủ tục quy định, sau 18 tháng mới được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Nên có thể đến cuối năm nay (cuối 2008 - PV) chúng tôi mới được cấp chính thức” - ông Giao nói.

Văn bản chứng nhận đã được bảo hộ nhãn hiệu.

tokhai.jpg

Về “khách sạn Majestic” ở trung tâm quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bị Majestic Sài Gòn cáo buộc “hàng nhái”, bà Trần Thị Hồng Nga, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Việt Thành, đơn vị quản lý khách sạn Majestic Salute ở Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi có đăng ký (lĩnh vực kinh doanh là khách sạn, quán bar, cà phê - PV) và khác với Majestic Sài Gòn vì có thêm chữ “Salute” với ý nghĩa “lời chào mừng thân thiện, hoàn hảo”. Hơn nữa, chúng tôi là khách sạn ba sao, khách hàng không thể nhầm với “đàn chị” năm sao ở TP.HCM được”. Bà Lan cũng đặt vấn đề Majestic Sài Gòn chưa được cấp giấy chứng nhận độc quyền tên gọi Majestic. Do đó, việc sử dụng tên gọi này là không vi phạm.

Majestic Sài Gòn có được bảo hộ?

Để “bẻ” lại những ý kiến trên, ông Tào Văn Nghệ, Giám đốc khách sạn Majestic Sài Gòn, đã xuất trình các giấy tờ đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa. Theo đó, năm 1995 khách sạn này đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hóa (thời gian 10 năm, hết hạn vào năm 2004).

Tuy nhiên vào thời điểm đó, khách sạn chỉ đăng ký nhãn hiệu là logo với hình ảnh một vòng tròn elip, có chữ HM ở giữa và với sản phẩm là “dịch vụ lưu trú, ăn uống và các dịch vụ liên quan cho khách lưu trú” mà không đăng ký độc quyền tên gọi Majestic. Mãi đến cuối năm 2006, khách sạn mới nộp đơn xin đăng ký lại đối với nhãn hiệu logo của mình và được cấp lại vào tháng 1-2007. “Lần này, ngoài hình elip và chữ HM, chúng tôi đã đăng ký thêm chi tiết hoa văn trang trí đặc trưng của khách sạn theo lối kiến trúc Pháp, cùng với dòng chữ HOTEL MAJESTIC, SAIGON-VIETNAM, SINCE 1925 (khách sạn Majestic, Sài Gòn Việt Nam, từ năm 1925 - PV) để nói rõ lịch sử hình thành của khách sạn...” - ông Nghệ nói.

Cũng trong lần nộp đơn năm 2006, Majestic Sài Gòn đã xin bổ sung các danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo nhãn hiệu gồm năm nhóm theo tiêu chuẩn phân loại quốc tế. Trong đó có nhóm ngành kinh doanh cho thuê văn phòng, nhà ở, nhà làm việc và dịch vụ khách sạn, nhà hàng ăn uống. “Mặc dù sau năm 1975 khách sạn đã phải đổi tên theo yêu cầu của cơ quan quản lý là Cửu Long nhưng chúng tôi vẫn dùng tên gọi Majestic trong mọi giao dịch với khách hàng và trên các sản phẩm, bao bì các dịch vụ của mình...” - ông Nghệ nói.

Cũng theo ông Nghệ, đã có những đơn vị tại Hà Nội, Hải Phòng đặt vấn đề chuyển giao kinh doanh thương hiệu Majestic theo phương thức franchising (hợp đồng li-xăng theo phương thức nhượng quyền thương hiệu - PV). “Muốn sử dụng nhãn hiệu Majestic phải kèm theo những điều kiện như chất lượng dịch vụ, đào tạo con người, trang trí, hoa văn, âm nhạc... theo đúng phong cách Pháp và kiến trúc cổ. Do đó, chúng tôi chưa nhận lời bất kỳ đối tác nào. Việc các đơn vị sử dụng tên gọi trùng hợp gây nhầm lẫn cho khách trong nước và quốc tế khiến chúng tôi rất bức xúc. Chúng tôi sẽ gửi công văn ra Cục Sở hữu trí tuệ và hai đơn vị liên quan thông báo việc sử dụng nhãn hiệu gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của chúng tôi” - ông Nghệ cho biết.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ khiếu nại hy hữu này khi có kết luận của cơ quan chức năng.

Theo Thanh Hải
phapluattphcm.gif

 Các tin khác
Trang:  [1]  2  3  >>