Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và- Công nghệ), giai đoạn 1997-2005, tổng số đơn đăng ký sáng chế và nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam nộp vào Hoa Kỳ là 52; cùng thời gian đó, số đơn của Hoa Kỳ nộp vào Việt Nam là 9.810.
Điều đó cho thấy, chúng ta chưa có nhiều cơ hội sử dụng cơ chế bảo hộ quyền SHTT của các nước khác trong khi hệ thống SHTT của ta lại được người nước ngoài khai thác với cơ hội lớn hơn nhiều.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2005, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, giúp họ hiểu được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ để từ đó chủ động đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Tạ Quang Minh- Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn (thuộc Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết: Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được triển khai căn cứ vào Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 4/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ năm 2005 và bước đầu sẽ kéo dài đến năm 2010.

Chương trình có qui định rõ ràng về các nội dung hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên có ba nội dung được ưu tiên hỗ trợ chính trong Chương trình là đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý; tuyên truyền quảng bá về sở hữu trí tuệ và đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ.

Để được hỗ trợ từ Chương trình, một dự án phải trải qua hai giai đoạn: thẩm định nội dung và thẩm định tài chính. Chỉ khi nội dung dự án đáp ứng các yêu cầu của Chương trình, dự án mới được đưa vào giai đoạn thẩm định tài chính. Mức hỗ trợ của chương trình có thể là 70% hoặc lên đến 100% tùy theo từng loại dự án. Các dự án về chỉ dẫn địa lý, tuyên truyền, đào tạo sẽ được hỗ trợ 100%.

Dự kiến, cuối năm 2008 sẽ tiến hành sơ kết chương trình nhằm tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện các dự án điểm , từ đó triển khai nhân rộng các dự án điểm đó.

Phỏng vấn ông Tạ Quang Minh:

 

PV: Ông có thể cho biết vài kết quả cụ thể ban đầu sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình?

Năm 2005 Chương trình tập trung hoàn thiện các văn bản và bộ máy tổ chức triển khai Chương trình. Năm 2006 triển khai các hoạt động chung, tập trung vào tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn tham gia Chương trình: xây dựng trang web, ban hành các tài liệu hướng dẫn, tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn cho các doanh nghiệp, các địa phương, giới thiệu, hướng dẫn họ tham gia Chương trình.

Về hoạt động tổ chức quản lý triển khai các dự án, Văn phòng chương trình đã tiến hành tổng hợp các đề xuất của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, từ đó xây dựng các Danh mục dự án để tuyển chọn thực hiện (đến nay đã phê duyệt 4 Danh mục dự án). Các danh mục dự án được công bố rộng rãi lên các phương tiện thông tin đại chúng để các đơn vị dựa vào đó xây dựng hồ sơ đăng ký tham gia. Căn cứ vào các hồ sơ đăng ký tham gia, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức tuyển chọn những dự án đáp ứng yêu cầu, điều kiện theo quy định của Chương trình.

Hiện đang có 10 dự án được triển khai và 15 dự án khác đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để tiến hành các thủ tục thẩm định, trình phê duyệt. Các đợt tuyển chọn các dự án khác cũng sẽ được tiếp tục triển khai theo quy định của Chương trình.

PV: Vậy, sơ bộ có thể tính được những ai đang được hưởng lợi từ Chương trình, thưa ông?

Về nội dung hỗ trợ đăng ký, quản lý chỉ dẫn địa lý: hiện đang có 11 chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản của Việt Nam được hỗ trợtheo Chương trình. Mỗi chỉ dẫn địa lý thuộc một vùng, một địa phương khác nhau trên cả nước. Sau khi chỉ dẫn địa lý được đăng ký và phát triển, giá trị sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý sẽ được nâng lên, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân và doanh nghiệp ở địa phương.

Về nội dung hỗ trợ phát triển sáng chế: một dự án đã được tuyển chọn là dự án “Áp dụng giải pháp hữu ích về sản xuất Zeolit NaX từ cao lanh tại Công ty Supe phốt phát Lâm Thao” của Đại học Bách khoa Hà Nội. Công ty Supe phốt phát Lâm Thao là đơn vị được hưởng lợi từ kết quả của dự án; bên cạnh đó, Đại học Bách khoa - cơ quan nghiên cứu, cũng có lợi là đưa kết quả nghiên cứu của mình ứng dụng vào thực tế.

PV: Quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản ở một số vùng là việc làm rất ý nghĩa. Vậy khi tiến hành có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, do đây là đối tượng mới, các địa phương cũng chỉ mới bắt đầu tiếp cận vấn đề này. Do vậy có thể nói, muốn thành công đòi hỏi sự quan tâm của chính bà con nông dân- nhà sản xuất và sự hợp tác của chính quyền địa phương. Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một sản phẩm của địa phương cũng rất tốn kém về mặt kinh phí, vì phải chi phí cho nghiên cứu đánh giá chất lượng đặc thù của sản phẩm, nghiên cứu sự ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đến sản phẩm đó. Nhiều nơi chúng tôi đặt ra yêu cầu là muốn được hỗ trợ phải xét xem bản thân sản phẩm có có khả năng được bảo hộ hay không; và địa phương có nhiệt tình quan tâm không; tiếp đến là sự cần thiết, cấp bách của việc đăng ký, ví dụ như sản phẩm bị làm hàng nhái, hàng giả, hoặc sản phẩm có khả năng để xuất khẩu….Có những sản phẩm đã có danh tiếng nhưng chưa xây dựng được một kênh thương mại hiệu quả, thì cần tiến hành thiết lập hệ thống kênh thương mại giúp bà con nông dân, tránh việc các vùng khác chở sản phẩm đến nơi có đặc sản để bán đổ đồng…

Quy trình xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý gồm 2 giai đoạn lớn: Thứ nhất là xây dựng và làm thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý. Thứ hai là thiết lập và vận hành hệ thống quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý đó. Hiện Chương trình đang hỗ trợ đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý cho bưởi Đoan Hùng, vải thiều Lục Ngạn, quế Văn Yên và hoa hồi Lạng Sơn…, theo đó các địa phương được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tuyên truyền về sản phẩm đó, rồi xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng, v.v...

PV: Còn về nội dung thông tin tuyên truyền - một phần quan trọng của chương trình, được tiến hành ra sao?

Về thông tin tuyên truyền, hiện đang có một số dự án, như: chương trình Chắp cánh thương hiệu đang phát trên VTV3; dự án Tuyên truyền, phổ biến về sở hữu công nghiệp hiện đang được triển khai...

Trang tin điện tử của Chương trình ( www.hotrotuvan.com.vn) được xây dựng với mục đích giới thiệu, công bố và cập nhật những thông tin liên quan đến Chương trình; thông báo các danh mục dự án, thông báo về các dự án được tuyển chọn, phê duyệt, cung cấp các các văn bản, quyết định, quy chế liên quan đến Chương trình.

Có một nội dung khác nữa trong trang tin là hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Nội dung này hiện đang được xây dựng và thời gian tới sẽ được bổ sung, gồm các câu hỏi và đáp, hướng dẫn về việc đăng ký các đối tượng sở hữu trí tuệ. Trang tin của Chương trình nằm trong trang tin của Cục Sở hữu trí tuệ, nên có nhiều đối tượng truy cập, và khi họ quan tâm và có câu hỏi thì chúng tôi trả lời ngay…

Cục Sở hữu trí tuệ cách đây ít lâu (tháng 11/2007) cũng đã tổ chức cho các doanh nghiệp, địa phương tham dự triển lãm các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở Thái Lan. Trong hội chợ này có sự tham gia của các nước châu Âu và ASEAN. Đây là một trong các hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ sẽ được tiếp tục tổ chức trong thời gian tới để giúp giới thiệu, thương mại hoá các sản phẩm đã được hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ.

Một điểm quan trọng là việc tuyên truyền cần giúp doanh nghiệp nhận thức rõ ràng rằng: quá trình chuẩn bị và xúc tiến để đăng ký, công nhận bảo hộ các đối tượng SHTT cũng đã rất công phu; nhưng việc quản lý, thực thi và khai thác các đối tượng đó mới là quan trọng và đem lại hiệu quả thực tế.

* Xin cảm ơn ông.
Nguồn: VOV News
 Các tin khác
Trang:  [1]  2  3  >>