'Quan trọng là trân trọng quyền tác giả ca khúc'
Đại diện nhiều phòng trà ca nhạc TP HCM và cá nhân biểu diễn không thấy quá lo với việc truy thu tác quyền ca khúc Trịnh Công Sơn. Bởi theo họ, điều quan trọng nhất là thái độ trân trọng đúng mức đối với chủ sở hữu tác phẩm.
Ông Nguyễn Tuấn, chủ phòng trà M&Tôi (cũ) từng tổ chức nhiều đêm nhạc Trịnh, cho biết đã liên hệ trực tiếp với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị thanh toán tác quyền. Theo đó, việc thanh toán sẽ do hai bên thương lượng với nhau, tùy vào quy mô, tính chất chương trình.

Sự việc nhanh chóng được giải quyết ổn thỏa bởi cách làm việc của phòng trà do ông Tuấn quản lý là luôn coi trọng quyền tác giả. Cụ thể, với mỗi chương trình nhạc Trịnh tổ chức, ông đều có lời mời đại diện gia đình cố nhạc sĩ đến tham dự (thường là ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh). Đồng thời, một số tiền tượng trưng được trích ra từ doanh thu để gửi lại cho gia đình, bày tỏ lòng trân trọng những tác phẩm của nhạc sĩ, cũng xem như một hình thức trả tác quyền cho việc sử dụng các ca khúc trong đêm diễn.

"Thật ra số tiền thu được không quan trọng với gia đình nhạc sĩ, bởi theo chị Trịnh Vĩnh Trinh thì chủ yếu là cách hành xử có văn hóa của người làm văn hóa", ông Tuấn cho biết.

Cùng suy nghĩ như trên, ca sĩ Duy Quang, chủ phòng trà Tình Ca, cho rằng việc định ra mức giá cho một tác phẩm âm nhạc là không nên, bởi giá trị tinh thần của nó mới là điều quan trọng. Chính vì thế, anh chú trọng vào cách thức tổ chức chương trình nhằm làm bật lên được sự trân trọng cần thiết với các nhạc phẩm và xứng đáng với người sáng tác.

"Tôi đích thân mời gia đình nhạc sĩ đến xem các đêm nhạc Trịnh tại phòng trà của mình để họ thấy rằng chúng tôi không làm qua loa hoặc vì lợi nhuận", ca sĩ Duy Quang nói.

Mặt khác, việc truy thu tác quyền của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng được một số nơi hoan nghênh và hưởng ứng khi biết số tiền thu được là dành cho việc lập Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ. Xuân Hòa - chủ phòng trà Văn Nghệ - cho biết: "Có thể có một số khó khăn trong vấn đề truy thu tác quyền, nhưng đây là việc làm đúng và có ích. Như thế, không việc gì chúng tôi lại từ chối".

Đa số chủ phòng trà cho biết, sở dĩ có chuyện xôn xao vừa qua là bởi vì từ trước đến nay chưa xuất hiện thông lệ như vậy, ngoại trừ việc thu tác quyền ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy do Công ty Văn hóa Phương Nam phụ trách.

Ca sĩ Ánh Tuyết, chủ phòng trà ATB, bày tỏ thái độ hoang mang, bối rối khi nhận được văn bản của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì "không biết số tiền phải trả sẽ là bao nhiêu với thời gian quá lâu như thế (1/7/2006 đến 31/3/2008)". Chị chia sẻ thêm: "Giá mà được thông báo ngay từ đầu thì các nhà tổ chức biểu diễn sẽ có thể tính toán khả năng của mình có đáp ứng được việc trả tiền tác quyền hay không".

Việc truy thu gây nên một số ảnh hưởng và xáo trộn nhất định trong hoạt động văn nghệ tại TP HCM. Cụ thể, phòng trà ATB đã ngưng diễn tất cả chương trình liên quan đến nhạc Trịnh tới khi nào sự việc được ngã ngũ.

Với tư cách một nghệ sĩ có hát các nhạc phẩm Trịnh Công Sơn, ca sĩ Ánh Tuyết cũng cảm thấy buồn khi không được hát nhạc Trịnh. Bởi nếu việc thanh toán tác phẩm quá nghiêm ngặt sẽ dẫn đến tình trạng ca sĩ bị ức chế và làm lan sang cả khán giả.

Ca sĩ Duy Quang cho rằng việc truy thu tác quyền đồng nghĩa với việc hạn chế sức lan tỏa của các ca khúc trong đời sống thưởng thức âm nhạc. Ví dụ, từ nay về sau, nếu muốn tổ chức bất kỳ đêm nhạc Trịnh nào, anh sẽ thảo ra danh sách các bài hát được chọn biểu diễn và tính toán trước khoản chi phí phải trả. Nếu vượt ngoài khả năng, anh sẽ dừng chương trình lại.

Hoặc nếu quyết tâm thực hiện, thì các chủ phòng trà sẽ giải quyết bằng cách tính toán tiền tác quyền và ghép vào tiền phụ thu của đêm diễn tại phòng trà. Như vậy người chịu ảnh hưởng trực tiếp là khán giả.

Nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, Quang Dũng, nam ca sĩ hát nhạc Trịnh được nhiều khán giả yêu thích, cảm thấy thương những ca sĩ trẻ có cát-xê thấp. Anh chia sẻ: "Các đêm nhạc không phụ thu, nếu phải gánh thêm tác quyền thì có thể không diễn được. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống của các ca sĩ trẻ, không nổi tiếng, vốn có thu nhập thấp".

Theo Quang Dũng, không một ca sĩ nào khi đứng trên sân khấu lại muốn nghĩ đến chuyện tác quyền. Trong khi biểu diễn, điều làm anh quan tâm nhất vẫn là cảm xúc của mình dành cho các bài nhạc Trịnh và mức độ hài lòng của khán giả, còn chuyện tác quyền để tính sau. "Khó quản lý một đêm có bao nhiêu bài nhạc Trịnh và được hát bao nhiêu lần. Việc thu tác quyền là đúng nhưng để hợp lý thì cần xác định rõ ai là người đóng và hình thức thu như thế nào", anh nói.
Nhiêu Huy
 Các tin khác
Trang:  [1]  2  3  >>