'Không có chuyện tẩy chay nhạc Trịnh'
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh khẳng định như thế trước một vài phản ứng khi gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quyết định truy thu tác quyền. Theo chị, dù có gần 600 ca khúc nhạc Trịnh phổ biến rộng rãi, nhưng tác quyền của chúng chưa được coi trọng.
- Vì sao chị và gia đình chọn thời điểm này để đẩy mạnh việc truy thu tác quyền các tác phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn?

Trung tuần tháng 3, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, thay mặt gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi văn bản đến các phòng trà, tụ điểm ca nhạc, đơn vị tổ chức biểu diễn để đề nghị thanh toán tiền tác quyền cho việc sử dụng các tác phẩm của anh mình.

Theo văn bản, thời gian truy thu tác quyền được tính từ 1/7/2006 - ngày Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có hiệu lực, đồng thời ghi rõ hạn chót của việc thanh toán chậm nhất là ngày 31/3/2008.

Mức thanh toán do gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đưa ra là: 300.000 đồng/bài/lần biểu diễn.

- Từ bấy lâu nay việc trả tiền tác quyền cho gia đình Trịnh Công Sơn được thi hành một cách tùy tiện, và chúng tôi chưa bao giờ lên tiếng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, việc vi phạm tác quyền càng ngày càng nghiêm trọng. Điển hình là những đêm nhạc Trịnh gần đây tại một số phòng trà lớn ở TP HCM, Nhà hát Lớn Hà Nội… các nhà tổ chức gồm những người nổi tiếng, kể cả nhạc sĩ, không hề đoái hoài đến việc thi hành nghĩa vụ tác quyền.

- Hạn chót là 31/3 có vẻ quá gấp cho một khoảng thời gian tương đối dài tính từ tháng 7/2006. Chị nghĩ sao?

- Một số cá nhân và tổ chức tuy có cam kết trả tiền tác quyền nhưng chưa thể hiện thiện chí thật sự của họ. Do đó, bắt buộc chúng tôi phải đưa ra một chốt thời gian cố định để giải quyết việc này.

- Có giải pháp nào thỏa đáng hơn nếu việc truy thu có khó khăn?

- Đối với những người thật sự muốn thi hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ tác quyền thì đây không phải là một vấn đề.

Đa số các đơn vị sử dụng nhạc Trịnh đã đến gặp gia đình và 2 bên đạt được một thỏa thuận hợp lý nhanh chóng và tình cảm. Chúng tôi chưa hề bị vướng mắc về số tiền phải trả là bao nhiêu đối với những người có thiện chí và lòng trân trọng mà họ dành cho nhạc của anh Sơn.

- Gia đình chị nhắm vào truy thu những ai?

- Đối tượng thu tác quyền bao gồm các chương trình biểu diễn nghệ thuật, tụ điểm ca nhạc, phòng trà, quán cà phê có tổ chức ca nhạc, ca sĩ và các đơn vị sản xuất và phát hành băng, đĩa nhạc…

Tôi được biết trong tương lai, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam còn thực hiện việc thu tác quyền rộng rãi hơn, như áp dụng cho cả các phương tiện điện thoại di động, mạng Internet, tại các khách sạn, thang máy, văn phòng, cửa hàng...

- Gia đình dựa trên cơ sở nào để khẳng định các đối tượng trên có sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà truy thu tác quyền?

- Với những buổi trình diễn địa phương, chúng tôi căn cứ vào giấy phép của Sở Văn hóa Thông tin, số bài trên CD, bài nhạc sử dụng cho quảng cáo. Riêng phòng trà ca nhạc, biểu giá thu tiền bản quyền âm nhạc của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc quy định rõ ràng, căn cứ trên địa điểm, số ghế, tiền vé…

Thực tế, những phòng trà yêu cầu được khoán một số tiền cho mỗi đêm trình diễn để đơn giản hóa thủ tục. Và chúng tôi cũng đồng ý với phương thức này. Một số nơi khác, chúng tôi đồng ý để họ trả tiền tác quyền trên cơ sở tự nguyện hoặc hoàn toàn miễn thu nếu chương trình có tính cách quần chúng hoặc từ thiện.

- Đến nay, phản ứng của các đơn vị từng sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với gia đình như thế nào?

- Chúng tôi đã giải quyết nhanh chóng và tình cảm với tất cả những cá nhân và tổ chức đến gặp chúng tôi để giải quyết chuyện tác quyền. Tôi cũng nhận được những lời động viên, hợp tác từ nhiều phía. Một số ca sĩ nổi tiếng như Cẩm Vân, Quang Dũng, Hồng Nhung, Hãng phim Phương Nam rất có thiện chí trong việc hoàn tất nghĩa vụ tác quyền.
Nhiều cá nhân, tổ chức biểu diễn đã xin lỗi bằng thư riêng hoặc trực tiếp đến gia đình vì đã không hoàn thành nghĩa vụ theo luật định, trong đó có phòng trà Tình Ca của gia đình nhạc sĩ Phạm Duy. Hay giám đốc một phòng trà nổi tiếng tại TP HCM cũng bày tỏ lòng cảm ơn về lời nhắc nhở truy thu tác quyền của gia đình.

Rất tiếc, đối với một thiểu số thiếu thiện chí, chúng tôi chỉ gặp họ qua công luận.

- Một số dư luận cho rằng việc thu tác quyền có thể dẫn đến tình trạng "tẩy chay" nhạc Trịnh tại các phòng trà. Chị nghĩ sao?

- Theo tôi thấy, dịp này, như mọi năm, có rất nhiều chương trình được tổ chức nhân ngày giỗ anh Sơn diễn ra từ Hải Phòng, Hà Nội đến TP HCM, từ những quán cà phê nhỏ đến phòng trà sang trọng.

Riêng ngày 1/4 sắp tới, có hẳn một tuần lễ nhạc Trịnh trên trang Nhạc Số dành cho bạn trẻ hâm mộ. Một số nơi còn tránh sự trùng lặp bằng cách tổ chức vào nhiều thời gian khác nhau để kỷ niệm ngày giỗ của anh: phòng trà Tình Ca (28-29/3), khu du lịch Bình Quới (2/4), phòng trà M&Tôi (6/4)...

Đó là câu trả lời hiệu quả nhất đối với những người đã vi phạm tác quyền mà lại muốn tạo dư luận ngược lại trong công chúng.

- Số tiền tác quyền mà chị và gia đình định thu chỉ là tiền bản quyền của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay còn đại diện cho quyền lợi của một số bên liên quan như: người hòa âm, người có phần lời trong ca khúc, chủ phòng thu... như luật quốc tế quy định cho một tác phẩm biểu diễn? 

Việt Nam đã ký nhiều công ước quốc tế như: Công ước Berne về bản quyền tác giả trong các hoạt động xuất bản, âm nhạc, điện ảnh, giải trí... (có hiệu lực từ ngày 24/10/2004), Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất ghi âm, chống nạn sao chép trái phép bản ghi âm của họ (có hiệu lực từ ngày 6/7/2005).
- Đây là một vấn đề đang được nhiều người tranh cãi. Trong phạm vi riêng của mình, chúng tôi chỉ quan tâm đến tác quyền của những bài hát Trịnh Công Sơn được quy định bởi Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam và những văn bản hướng dẫn.

Cụ thể hơn, chúng tôi tham khảo những nghị định và quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ về Quyền Tác giả và Quyền liên quan và biểu giá thu tiền bản quyền của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc.

- Sau ngày 31/3, nếu việc truy thu không thỏa đáng, gia đình có kế hoạch gì tiếp theo?

- Việc này sẽ do luật sư tư vấn cho gia đình chúng tôi về tác quyền quyết định. Chúng tôi tin mình đã chọn được một luật sư có đầy đủ uy tín và kinh nghiệm để đại diện cho gia đình.

- Chị và gia đình có ý nhờ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc thay mặt gia đình thực hiện việc truy thu này, mà không tiếp tục tự thu như trước đây. Lý do của việc này?

- Mặc dù có những khác biệt về quan điểm lúc đầu, nhưng chúng tôi ghi nhận việc phát triển tốt của Trung tâm bản quyền trong những năm gần đây.

Vừa qua, Trung tâm có mời gia đình đến để thảo luận về việc thu hộ tiền tác quyền. Với mô hình thu tác quyền mở rộng qua Internet, nhạc khách sạn, máy bay, nơi bán lẻ, điện thoại di động và ở nước ngoài, hy vọng Trung tâm có thể đảm nhận việc này một cách hiệu quả hơn.
Nhiêu Huy thực hiện
 Các tin khác
Tranh nhau chữ... Majestic (22/01/2008) 
Trang:  <<  1  2  [3]