'Tác quyền không phải chuyện dễ làm khó bỏ'
4 ngày trước hạn chót truy thu tác quyền nhạc Trịnh, tranh luận không chỉ xoay quanh con số 300.000 đồng, cách thức triển khai... Giữa lời qua tiếng lại mang tính vật chất, nhiều người xót xa, liệu một cuộc "ngã giá" quyết liệt có tổn thương đến hình ảnh thánh thiện của “người hát rong qua nhiều thế hệ”?
Bên cạnh một số cá nhân, đơn vị nghiêm túc đàm phán tác quyền với gia đình họ Trịnh sau khi nhận được yêu cầu, nhiều đại diện phòng trà và tổ chức biểu diễn đang chùng chình chờ hướng giải quyết hợp lý cho những tranh cãi hiện nay. Trong lúc này, họ chọn giải pháp: ngừng hát những bản tình ca Trịnh Công Sơn. Hệ quả không mong muốn sinh ra từ những rắc rối tác quyền đã khiến những người yêu nhạc ông day dứt.

Trong cuộc trò chuyện dài, nhiều cảm xúc, họa sĩ Trịnh Cung, một người bạn của Trịnh Công Sơn, tâm sự: "Tôi lên án những kẻ gian lận, trục lợi từ công sức của người khác, nhưng đây là chuyện tế nhị, thiết nghĩ phải làm sao cho hợp tình hợp lý, tránh tổn hại đến hình ảnh của người đã khuất". Trịnh Cung kể, một lần, khi được các em hỏi về chuyện tác quyền, Trịnh Công Sơn chỉ nói, đại ý: Mình cũng phải biết ơn những người hát nhạc của mình chứ. Chẳng lẽ tác giả không có lợi gì khi ca khúc của họ được người ta phổ biến à? Sau câu chuyện, Trịnh Cung nhận xét: "Sự việc này khiến tôi nhớ lại câu chuyện đó thôi. Tất nhiên, việc đòi tác quyền cho nghệ sĩ là điều hoàn toàn chính đáng, hợp pháp. Quyền tác giả ở tất cả các lĩnh vực cần phải được tôn trọng. Nhưng Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ, một nhân cách lớn, có vị trí đặc biệt trong lòng công chúng. Muốn làm điều gì liên quan đến ông, chúng ta cũng phải rất cân nhắc".

Lô Thủy - ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh - cho biết: "Tôi tán thành việc đóng tiền tác quyền, nhưng phải đưa ra mức giá sao cho hợp lý. Tôi sẽ rất buồn nếu vì chuyện này mà những ca khúc Trịnh Công Sơn được biểu diễn thưa thớt đi".

Trước những thông tin về việc một số sân khấu tạm ngừng biểu diễn nhạc Trịnh, họa sĩ Trịnh Cung thở dài: "Nhạc Trịnh là một di sản quý giá của dân tộc. Nhưng không có nhạc Trịnh, các sân khấu âm nhạc đương thời vẫn sống khỏe bằng những sáng tác ấm ớ, thị trường. Cuối cùng, công chúng không có lỗi nhưng họ lại thiệt thòi vì không được hưởng thụ những tinh hoa âm nhạc. Nếu vì ráo riết thu tác quyền mà làm mai một một dòng nhạc đặc biệt như nhạc Trịnh liệu có đáng không?".

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia về bản quyền, tác quyền "không thể là chuyện dễ làm khó bỏ"; việc thực thi quyền tác giả ở Việt Nam là vấn đề nan giải, không riêng với trường hợp Trịnh Công Sơn. Những gì nảy sinh trong quá trình truy thu tác quyền nhạc Trịnh đã chứng minh điều đó.

Từ cách đây 2 năm, gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn tự thân thu tác quyền ca khúc âm nhạc của ông mà không ủy thác cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Nhưng hiện nay, trước những khó khăn trong việc thực thi, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đã bày tỏ ý định hợp tác với Trung tâm.
- 'Không có chuyện tẩy chay nhạc Trịnh'
- 'Quan trọng là trân trọng quyền tác giả ca khúc'

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, cho biết: "Theo tôi được biết, chị Trinh sắp ký hợp đồng. Nếu đồng ý ủy thác, chị Trinh phải chấp nhận biểu giá và cách thức làm việc của chúng tôi. Vì trung tâm đại diện cho số đông, áp dụng mức thu chung chứ không thể phục vụ cho những đòi hỏi, yêu cầu cá nhân. Việc phân loại các nhạc sĩ để thu tác quyền là điều bất khả thi. Tài năng và sự phổ biến của một nhạc sĩ đã được ghi nhận ở tần suất sử dụng của các ca khúc".

Nhạc sĩ Hạ Long - Trưởng phòng cấp phép VCPMC - ước tính: "Nếu cứ áp dụng mức giá chung, tiền tác quyền nhạc Trịnh Công Sơn thu được trong năm qua không thể ít hơn 50 triệu đồng". Đây là con số không nhỏ nếu so với các nhạc sĩ khác, nhưng lại chẳng thấm vào đâu so với cách tính 300.000 đồng/bài cho mỗi lần biểu diễn mà Trịnh Vĩnh Trinh yêu cầu. Sự chênh lệch này đặt ra vấn đề: "Liệu biểu giá VCPMC đưa ra có quá thấp so giá trị tác quyền của tác phẩm?". Ông Phó Đức Phương thừa nhận: "Đúng là chúng tôi đang thu thấp hơn cái giá mà chúng tôi cho là đúng. Ngoài việc căn cứ vào các quy định của pháp luật, chúng tôi còn phải tham khảo biểu phí của các quốc gia trong khu vực và thực tiễn đời sống âm nhạc tại Việt Nam. Xưa nay, người sử dụng âm nhạc đang quen lối "xài nhạc chùa", trả tác quyền theo kiểu được chăng hay chớ... nên để khuyến khích sự tự giác chấp hành luật pháp, ở giai đoạn đầu, chúng tôi cũng hơi gượng nhẹ".

Ngoài những băn khoăn về hình thức triển khai, mức giá, câu chuyện truy thu tác quyền nhạc Trịnh còn đụng đến quyền lợi của những người đồng sáng tạo với ông trong các ca khúc... Luật sở hữu trí tuệ không chỉ bảo hộ quyền tác giả mà còn bảo hộ quyền liên quan (quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất băng đĩa, các tổ chức phát sóng). Riêng về tác giả phần lời, nghị định 61/CP về chế độ nhuận bút tại Việt Nam cũng quy định: "Tác giả phần lời của bản nhạc, truyện tranh hưởng 20-50% nhuận bút". Nhưng trong khi tác quyền còn chưa đến tay nhạc sĩ thì chuyện mong đợi thù lao với các tác giả phần lời vẫn là việc "mơ về nơi xa lắm”. Họa sĩ Trịnh Cung, người có hai bài thơ được Trịnh Công Sơn phổ nhạc Cuối cùng cho một tình yêu và Thiên sứ bâng khuâng cho biết: "Khi Trịnh Công Sơn còn sống, một lần anh đưa cho tôi 100 USD tiền tác quyền do một trung tâm ca nhạc ở Mỹ trả. Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến nay, tôi được trả tác quyền lời thơ. Trong nước, một vài lần tôi có hỏi, nhưng người ta cà khịa rồi lơ đi. Tôi cũng nản rồi thôi luôn".

Khi được hỏi, liệu ông có sẵn sàng ủy quyền cho gia đình Trịnh Vĩnh Trinh truy thu tác quyền những ca khúc phổ thơ mình, Trịnh Cung chỉ nói: "Tình bạn của tôi và Trịnh Công Sơn lớn hơn chuyện đó".

Tất nhiên, cách hành xử và câu nói đầy chữ "tình" của Trịnh Cung không điển hình cho mọi quan hệ đồng sáng tạo giữa các cá nhân nghệ sĩ. Một khi chuyện tác quyền được tính toán rạch ròi, sẽ không thể bỏ quyền tác giả của những người liên quan. Trong trường hợp của nhạc Trịnh Công Sơn, nhiều người đặt vấn đề: nếu không được sự ủy thác của người phối khí và tác giả lời thơ, Trịnh Vĩnh Trinh liệu có thể đại diện hợp pháp và đầy đủ cho quyền tác giả các ca khúc? Theo ông Phương, trong quá trình thu tác quyền các nhạc sĩ, VCPMC vẫn trích phần trăm để chi trả cho những tác giả có quyền lợi liên quan. Nhưng nếu người phối khí và tác giả phần lời chưa có ủy thác, liệu trung tâm có quyền thu hộ? Trước những câu hỏi quẩn quanh này, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: “Chuyện bản quyền ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Nếu chờ pháp luật hoàn chỉnh và đợi ý thức tự giác của người sử dụng, đến bao giờ chúng ta mới bảo vệ được quyền tác giả?”.
Lưu Hà
 Các tin khác
Tranh nhau chữ... Majestic (22/01/2008) 
Trang:  <<  1  2  [3]